Bố 6 múi dồn 1 múi, mẹ eo nhỏ bắp tay to…

Hồi còn học cấp một, như một số đứa trẻ khác thời đó, mình thích đọc truyện tranh.

Có một lần, mình nhờ cậu mua truyện, nhưng chắc do quá nôn nóng muốn đọc tập mới, rồi sợ cậu đi làm về sẽ quên nên mình lại dặn cả bố mua nữa.

Bố về trước nên mình được đọc truyện sớm. Đến tối muộn, cậu mới về, dù đi làm cả ngày mệt mỏi, cậu vẫn nhớ mua truyện cho mình. Thế là “bị cậu giận”, mẹ phải nói mãi thằng nhỏ mới rón rén đi xin lỗi cậu (vì sợ).

Ngoài chăm chỉ làm việc xây dựng sự nghiệp để ngày nay lo được một cuộc sống tương đối đầy đủ cho vợ con, hầu như cậu làm được mọi thứ trong nhà, ở đủ các lĩnh vực thiết yếu từ điện, nước đến cơ khí. Ngày trước khi cậu còn ở cùng, mẹ mình chẳng có gì phải lo.

Sau này cậu lấy vợ ra riêng thì mỗi khi nhà có sự cố gì về mấy món đấy, mẹ lại phải gọi cậu sang, thế nên mình bị cậu trách mấy lần “Nhà có mấy cái đơn giản thế mà cũng không biết làm, nhìn cậu làm rồi mai mốt mà làm cho mẹ” (dù thật ra mình đã rất nỗ lực, cũng có khi mình tự làm được).

Chớp mắt, đã hơn hai mươi năm trôi qua. Giờ thì cậu không còn mua truyện cho mình nữa, mà phải mua nhiều thứ để lo cho 3 đứa con gái của cậu.

Các em, mỗi người một vẻ. Chị hai nhí nhảnh, sợ tăng cân như các bạn nữ tuổi teen khác. Chị ba trầm tính, ít nói. Cả hai chị đều chăm học.

Cô em út thì học cũng khá, nhưng tinh nghịch, năng động và cá tính hơn cả 2 chị. Năm nay mới chỉ cấp một, cô út không biết lấy ở đâu ra những biệt danh như thế này để đặt cho bố mẹ:

  • Bố 6 múi dồn 1 múi
  • Mẹ eo nhỏ bắp tay to

… khiến mình vừa bật cười vừa mong muốn có được một cô con gái đáng yêu như thế.

Khi bố đi công tác, chỉ có 2 mẹ con ngủ với nhau, em lấy gối ôm giả làm bố và bảo mẹ: “Hôm nay con cho bụng bự (cách em hay gọi bố) nằm ngủ dưới gầm giường”.

Vừa nhận cuộc gọi của bố đang ở nơi cách ly, em chạy đến chỗ mẹ reo to “Bốốốốốố gọi nè mẹ ơi”. Khi ngồi vào lòng mẹ, cùng mẹ trò chuyện với bố, em bảo “Con ép cho cái bụng mẹ nhỏ lại”, hỏi bố hôm nay ăn gì rồi dùng ngón tay vẽ nguệch ngoạc lên khung hình bố trên máy tính bảng và chỉ cho mẹ xem “6 múi của bố đó mẹ”.

Trẻ em ôm đồ điện tử suốt có vẻ không tốt.

Ấy vậy mà, dù vẫn nghiện đầy đủ các món ăn chơi từ tivi, máy tính bảng đến điện thoại, cô con gái út của cậu mợ vẫn tập vẽ và viết chữ ở nhà, biết ra ngoài trượt pa-tin, biết chơi nhiều trò với nhiều bạn từ bạn học, bạn hàng xóm đến anh-chị-em-cháu họ.

(P/s: Chỉ trừ mình vì mình hay chọc ghẹo con nít – hồi trước mình có sở thích gọi bé nhà kế bên ra trước cửa rồi chọc cho bé vừa khóc vừa chạy vào mách bố mẹ).

Em cũng biết chào người lớn dù họ chưa nhìn thấy mình, biết giao lưu với các cô bác hàng xóm cũng như trò chuyện cùng mợ, dì, cậu, bác…

Em còn biết phụ bố mẹ dọn dẹp chén đũa sau bữa ăn, biết lấy bia cho bố khi bố nhờ, rồi nũng nịu “Bốốốốốố” để nài nỉ bố đừng uống (vì uống bia nhiều không tốt), nhưng bố đưa ly bia cho thì cũng làm 1 hơi luôn.

Mẹ em bảo “Tập thể dục chưa mà ăn cơm”, em vặn lại ngay “Ủa, ăn cơm rồi mới tập thể dục chứ mẹ” (dù khoa học nói thế nào là tốt hơn thì mình cũng không rõ).

Khi bác (là mẹ mình) sang chơi, em đòi dạy các món võ học được ở trường, bảo bác phải đứng thế này, đặt tay, chân thế kia. Khi mẹ mình nói sẽ đi du lịch, em hỏi như một bà cụ non: “Thế bác đi như vậy ở nhà ai lo cho bác Ninh (bố mình) và 2 anh (mình và ông anh)?”.

Có một cô cháu gái dễ thương như thế, bảo sao trước dịch cuối tuần nào mẹ mình cũng xuống chơi với cháu.

Có câu “Con gái là người tình kiếp trước của bố”. Câu ấy nghe cũng hay, nhưng kiếp trước thì xưa quá, kiếp sau thì lại quá xa.

Mình chỉ biết là kiếp này, mình thật vui khi có cậu, mợ và các em trong gia đình.

Add Comment