Cầu thủ vào sân lúc sắp hết giờ đá pen hỏng nên lỗi tại HLV? Thật kỳ lạ!

Cùng với nhận định Bukayo Saka quá trẻ nên không đủ bản lĩnh đá quả phạt đền thứ năm, lại có thêm quan điểm cho rằng HLV Southgate đã sai lầm khi thay Rashford và Sancho vào quá muộn khiến họ không có điều kiện tốt nhất để thực hiện cú đá luân lưu thứ ba và thứ tư trong trận chung kết Euro 2020.

Cụ thể: Vì việc thay người diễn ra ở thởi điểm quá trễ (phút 120), 2 cầu thủ vào sân chạy chưa kịp nóng người và chưa có đủ thời gian để tìm cảm giác bóng… nên họ đá hỏng.

Một quan điểm sẽ có tính thuyết phục khi nó cung cấp đầy đủ dữ liệu lẫn bằng chứng theo toàn bộ các khía cạnh khác nhau của vấn đề.

Nếu vào sân ở phút 120, chưa/chỉ mới chạm bóng 1-2 lần là quá muộn, chưa đủ thời gian để có cảm giác bóng tốt thì vào sân từ phút thứ bao nhiêu, chạm bóng bao nhiêu lần sẽ có thể gọi là “nóng máy” và “đủ điều kiện để đá phạt đền”?

Đồng thời, nếu vào sân thay người ở thời điểm sớm hơn, có đủ thời gian để “máy nóng” và tìm cảm giác bóng thì có đồng nghĩa với việc đá phạt đền thành công hay không?

Cũng tại Euro 2020, trong trận đấu thuộc vòng 1/8 giữa Pháp và Thụy Sĩ, Marcus Thuram của Pháp vào sân thay người ở phút 111.

Về thời gian ở trên sân, Thuram có nhiều hơn Rashford và Sancho khoảng 10 phút, nhưng xét về số lần chạm bóng, Thuram chỉ hơn 2 cầu thủ Anh vài lần.

Vậy, trường hợp của Thuram có được gọi là “chưa nóng người, chưa có cảm giác bóng”?

Thuram đá thành công quả thứ ba nếu-đá-hỏng-thì-bị-dẫn-trước, một cú đá có nhiều áp lực hơn về mặt kết quả.

Thuram đá vào dù bị thủ môn đoán đúng hướng

Quay ngược về Euro 2004, trong trận tứ kết giữa Anh và Bồ Đào Nha, Rui Costa vào sân thay người ở cuối hiệp hai (phút 79).

Trận đấu bước sang hiệp phụ, đến phút 110, Rui Costa đi bóng từ gần giữa sân, vượt qua một cầu thủ, đến trước vòng 16m50 rồi tung cú nã đại bác tuyệt đẹp đưa bóng bay xuyên qua hàng phòng ngự và khiến thủ môn tuyển Anh bay người trong bất lực:


Vào sân thay người từ sớm, có nhiều thời gian trên sân để “nóng máy” và “tìm cảm giác bóng”, đang hưng phấn sau khi ghi một tuyệt phẩm, bản thân lại là một cầu thủ có trình độ kỹ thuật cao và giàu kinh nghiệm ở tuổi 32, về lý thuyết, Rui Costa là lựa chọn lý tưởng để đá phạt đền.

Anh cũng chỉ phải đá quả thứ ba nếu-đá-hỏng-thì-tỷ-số-chỉ-là-hòa (Bồ Đào Nha đang có lợi thế dẫn trước), một cú đá có ít áp lực hơn về mặt kết quả.

Nhưng Rui Costa lại đá vọt xà ngang. Ít phút trước, anh đá vào từ cự ly xa hơn, trong hoàn cảnh trước mặt có nhiều người cản phá hơn. Khi chỉ còn một thủ môn và ở cự ly gần hơn, anh lại đá hỏng, thậm chí đá không trúng khung thành:


Năm 2016, cầu thủ có thể đứng vào hàng ngũ xuất sắc nhất mọi thời đại Lionel Messi đá không vào quả phạt đền đầu tiên trong trận chung kết Copa America, góp phần vào thất bại chung cuộc của Argentina.

Đẳng cấp và kỹ thuật của Messi thì ai cũng rõ là cao như thế nào, nhưng anh vẫn đưa bóng đi vọt xà ngang dù không ở hoàn cảnh chịu áp lực cao nhất (vì đây mới là lượt đá đầu tiên và đối thủ Chile đã đá hỏng trước đó – anh đá vào thì Argentina vươn lên dẫn trước, đá không vào thì tỷ số vẫn là hòa).

Với mình, có thể ông Southgate đã có lỗi, nhưng lỗi của ông (nếu có) là đã không chuẩn bị đủ tốt về việc đá phạt đền cho Rashford, Sancho và Saka chứ không phải là vì để họ đá phạt đền hay thay họ vào sân quá trễ khi trận đấu đã sắp bước vào loạt đá luân lưu. Sự chuẩn bị kỹ càng luôn có ích khi bạn làm bất kỳ điều gì trong cuộc sống chứ không chỉ việc đá phạt đền.

Tuy nhiên, dù có chuẩn bị tốt đến đâu đi nữa, việc một cầu thủ bất kỳ nào đó (già hay trẻ, kinh nghiệm nhiều hay ít, phong độ cao hay thấp) sút vào/không vào một quả phạt đền trong một trận đấu bất kỳ cũng là chuyện chẳng ai biết trước được.

Tại World Cup 2022, HLV Luis Enrique nói rằng các cầu thủ Tây Ban Nha đã tập sút 1000 quả phạt đền nhưng cuối cùng họ chẳng đá vào quả nào trong trận thua Ma Rốc ở vòng 16 đội: 3 người ở các độ tuổi khác nhau (25, 30, 34) bước lên, 1 người sút trúng cột dọc, 2 người sút về 2 hướng khác nhau đều bị thủ môn đoán đúng hướng.

Sergio Busquet đá hỏng penalty ở 2 giải đấu liên tiếp – Euro 2020 và World Cup 2022

Nhìn sang những người chiến thắng, Hakimi của Ma Rốc chưa từng thực hiện quả phạt đền nào ở cấp CLB nhưng khi đứng trước quả đá quyết định mang về chiến thắng lịch sử cho quốc gia, anh đã bản lĩnh đánh bại thủ môn Tây Ban Nha bằng một quả panenka.

Hakimi tự tin thực hiện cú panenka đưa Ma Rốc vào tứ kết World Cup 2022

Đó là những diễn biến chẳng tuân theo bất kỳ một quy luật nào. Chúng chứng minh sự hấp dẫn của bóng đá và cũng là những gì đã được đề cập trong bài viết: KHÔNG AI QUÁ TRẺ ĐỂ ĐÁ PHẠT ĐỀN, DÙ LÀ QUẢ THỨ 5 TRONG TRẬN CHUNG KẾT! mà bạn có thể xem lại ở phía dưới đây:

Bóng đá thú vị ở chỗ, dù có nhiều thống kê và nghiên cứu khoa học đến đâu, người xem vẫn không thể biết được một trận đấu sẽ diễn ra như thế nào, vì nó luôn bao gồm nhiều diễn biến khó lường và có thể thay đổi liên tục (trừ trường hợp bán độ).

Mọi thứ chỉ rõ ràng khi trận đấu kết thúc. Mỗi trận đấu là duy nhất và sẽ không bao giờ giống với bất kỳ trận đấu nào khác.

Nếu bóng đá chỉ là một môn thể thao mà bạn có thể đơn giản nói “Đáng lẽ bạn phải làm A, B, C” hoặc “Kết quả có thể tốt hơn nếu bạn làm A, B, C” sau trận thua của một đội, thì có lẽ nó đã không phổ biến và hấp dẫn đến như vậy để được gọi là môn thể thao vua trên khắp thế giới.

Thế nên, mình chỉ xem bóng đá, và tận hưởng sự thú vị mà nó mang lại, chứ không nói rằng ai lẽ ra đã phải làm gì!

Add Comment