Không ai quá trẻ để đá phạt đền, dù là quả thứ 5 trong trận chung kết!

Giữa những ý kiến cho rằng việc để một cầu thủ quá trẻ như Bukayo Saka đá quả phạt đền thứ 5 quyết định trong một trận đấu lớn tầm cỡ chung kết Euro 2020 là sai lầm, Michael Owen – cựu thần đồng của bóng đá Anh lại nghĩ điều ngược lại “quan điểm đó thật ngớ ngẩn”.

Mình đồng ý với Michael Owen: Không ai là quá trẻ để thực hiện một quả phạt đền!

Owen đưa ra bằng chứng là danh sách cầu thủ đá hỏng phạt đền của đội tuyển Anh tại các giải đấu lớn kể từ World Cup 1990 (ảnh trên). Đa phần trong số đó là những người có nhiều kinh nghiệm. Anh cũng cho rằng, với cầu thủ trẻ thì mọi việc càng dễ dàng hơn khi họ tự tin và không có nỗi đau đá hỏng phạt đền trong quá khứ.

Với riêng trường hợp của Owen tại World Cup 1998, anh đá thành công quả penalty thứ tư ở tuổi còn nhỏ hơn Saka (lúc đó Owen chưa tròn 19 tuổi, còn Saka chưa tròn 20) trong khi Paul Ince (31 tuổi) sút hỏng quả thứ hai và David Batty (30 tuổi) đá hỏng quả thứ năm.

Ý kiến của của Owen có thể không đúng 100%. Không có bằng chứng nào cho thấy những người trẻ sẽ luôn làm tốt hơn hay càng trẻ thì càng làm tốt hơn.

Nhưng ít nhất, Owen nói về việc đã thật sự xảy ra với chính bản thân mình. Anh đá vào quả phạt đền quan trọng trong một trận đấu lớn, dưới áp lực cao và ở độ tuổi còn rất trẻ, trong khi những người đồng đội lớn tuổi hơn thì không. Trải nghiệm rất thực tế ấy đủ để anh đưa ra suy nghĩ ​​của mình.

Owen lừa được thủ môn, đưa bóng dội cột dọc vào lưới
Còn 2 người đàn anh bị đoán đúng hướng giống Saka

Và cũng chẳng có bằng chứng nào cho thấy người lớn tuổi hơn thì luôn làm tốt hơn, hay càng lớn tuổi hơn thì càng làm tốt hơn, do kết quả của bất kỳ quả phạt đền nào chỉ được biết sau khi nó đã được thực hiện.

Điều gì chứng minh nếu một cầu thủ khác nhiều kinh nghiệm hơn Saka của tuyển Anh bước lên đá phạt đền thì 100% bóng sẽ vào lưới, nhất là khi đội trưởng – người thuộc nhóm giàu kinh nghiệm nhất là Harry Kane cũng vừa mới đá hỏng ở trận bán kết trước đó?

Cũng trong trận chung kết Euro 2020, đồng đội của Saka là Rashford đá hỏng quả phạt đền thứ ba nếu-hỏng-thì-tỷ-số-cũng-chỉ-là-hòa (Anh đang có lợi thế dẫn trước) ở tuổi gần 24 (23 tuổi 9 tháng). Tính đến thời điểm ấy, Rashford đã có nhiều kinh nghiệm đá phạt đền tại CLB Manchester United.

Ba năm trước, khi 20 tuổi 3 tháng, Rashford đá thành công quả thứ hai nếu-hỏng-thì-sẽ-bị-dẫn-trước trong trận đấu thuộc vòng 1/8 giữa Anh và Colombia tại World Cup 2018. Tức là, Rashford có tuổi đời lớn hơn đã đá hỏng quả phạt đền có ít áp lực hơn về mặt tỷ số.

Rashford lừa được thủ môn nhưng bóng dội cột dọc bật ra

Trong cùng kỳ Euro, Mbappe (đã vô địch World Cup + đoạt giải “Cậu bé vàng” khi chưa tròn 20 tuổi, 4 lần vô địch + 3 lần là vua phá lưới giải vô địch quốc gia Pháp, á quân Champions League) bước lên đá quả đá phạt đền thứ năm trong trận Pháp – Thụy Sĩ. Khi ấy, Mbappe (23 tuổi 7 tháng) liệu có được gọi là người “không trẻ”?

Mbappe đá hỏng và Pháp bị loại.

Busquets, Jorginho, những cầu thủ đẳng cấp và đầy kinh nghiệm cũng đá hỏng phạt đền trong cùng kỳ Euro, dù là ở những quả ít áp lực về mặt kết quả hơn nhiều so với trái thứ năm nếu-đá-ra-ngoài-là-đội-thua.

Mbappe đặt lòng bị đoán đúng hướng giống Saka
Busquets lừa được thủ môn, đá trúng cột dọc giống Owen nhưng bóng bật ra ngoài giống Rashford
Kane đặt lòng bị đoán đúng hướng giống Saka
Jorginho đặt lòng bị đoán đúng hướng giống Saka

Quay ngược lại ngày xưa một chút. Roberto Baggio ghi gần như toàn bộ các bàn thắng đưa Ý vượt qua các vòng đấu loại trực tiếp để bước vào trận chung kết World Cup 1994, bao gồm một quả phạt đền trong hiệp phụ trận gặp Nigeria ở vòng 16 đội. Khi đó anh 27 tuổi, đang ở đỉnh cao phong độ.

Baggio cũng từng sút luân lưu thành công tại bán kết World Cup 1990. Nhưng đến quả phạt đền thứ năm trong trận chung kết năm 1994, anh đá lên trời và Brazil đăng quang. Sau này, anh kể lại mình hiếm khi đá hỏng phạt đền trước đó, và nếu có thì là do thủ môn cản được chứ không phải do anh không đá trúng khung thành.

Cú đá phạt đền lên trời khó tin của Baggio

Chung kết cúp C1 năm 2008, nếu đội trưởng – thủ lĩnh – chiến binh John Terry đá vào quả phạt đền thứ năm thì Chelsea sẽ vô địch. Anh trượt chân và MU lật ngược thế cờ. Đúng là hôm ấy trời mưa, nhưng tại sao chỉ có mình Terry trượt chân, ở đúng quả thứ 5 quyết định?

Những giọt nước mắt của Terry sau cú trượt chân định mệnh

Bóng đá thú vị ở chỗ, dù có nhiều thống kê và nghiên cứu khoa học đến đâu, người xem vẫn không thể biết được một trận đấu sẽ diễn ra như thế nào, vì nó luôn bao gồm nhiều diễn biến khó lường và có thể thay đổi liên tục (trừ trường hợp bán độ).

Mọi thứ chỉ rõ ràng khi trận đấu kết thúc. Mỗi trận đấu là duy nhất và sẽ không bao giờ giống với bất kỳ trận đấu nào khác.

Chẳng hạn, đội tuyển Ý – nhà vô địch Euro 2020 có thể đã thua trận bán kết vì một quả phạt đền. Ở giữa hiệp một, khi tỷ số đang là 0 – 0, hậu vệ Ý có một pha kéo áo cầu thủ Tây Ban Nha trong vòng cấm rất rõ ràng nhưng tổ trọng tài điều hành trận đấu và tổ trọng tài VAR đều không cho rằng cần thổi phạt đền.

Một pha kéo áo rất rõ ràng của cầu thủ Ý
Nhưng trọng tài chính bị khuất tầm nhìn, VAR cũng không cho rằng có gì bất thường, có lẽ vì cầu thủ Tây Ban Nha vẫn thực hiện được cú sút nguy hiểm về phía cầu môn

Nếu bị phạt đền, Ý có thể sẽ bị dẫn trước thay vì vươn lên dẫn trước (2 sự việc đối nghịch nhau, có khả năng thay đổi cục diện trận đấu) và có thể sẽ không được tham dự trận chung kết chứ đừng nói là trở thành nhà vô địch. Thực tế, tình huống này đã không xảy ra.

Nếu bóng đá chỉ là một môn thể thao mà bạn có thể đơn giản nói “Đáng lẽ bạn phải làm A, B, C” hoặc “Kết quả có thể tốt hơn nếu bạn làm A, B, C” sau trận thua của một đội, thì có lẽ nó đã không phổ biến và hấp dẫn đến như vậy để được gọi là môn thể thao vua trên khắp thế giới.

Thế nên, mình chỉ xem bóng đá, và tận hưởng sự thú vị mà nó mang lại, chứ không nói rằng ai lẽ ra đã phải làm gì!

Add Comment