Bài học từ màn trình diễn của Tuấn Anh trong trận Việt Nam – UAE

1. Trong trận đấu giữa Việt Nam và UAE tối qua, Tuấn Anh cho mọi người thấy em tài giỏi như thế nào.

Không lạ khi ai đó nói rằng: “Nếu Tuấn Anh không chấn thương nhiều như vậy thì…” hay “Mong Tuấn Anh đừng chấn thương nữa để…”.

Vế “nếu” đã xảy ra, nên không thể thay đổi.

Với vế “mong”, hi vọng em sẽ gặp nhiều may mắn, bởi chuyện tương lai thì không thể biết trước và bóng đá là môn càng chẳng thể nói trước điều gì (chấn thương gần nhất của Tuấn Anh là do em va chạm với chính đồng đội của mình).

Mặc dù vậy, Tuấn Anh có thể nâng xác suất xảy ra của vế “mong” bằng cách tăng cường sức mạnh thể chất kết hợp với việc sử dụng lối chơi thông minh như em vẫn đang làm.

Với cá nhân mỗi người, chúng ta cũng không thể biết trước ngày mai sẽ ra sao, nhưng chúng ta cần có sức khỏe tốt (thông qua chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện khoa học) để hiện thực hóa giấc mơ của mình cũng như sẵn sàng ứng phó với những thử thách của ngày mai nếu chúng ập đến.

Ở phòng gym gần nhà, mình thấy một tấm bảng ghi dòng chữ: “Khi có sức khỏe thì ta sẽ có rất nhiều mơ ước, nhưng khi không có sức khỏe thì ta chỉ có một mơ ước duy nhất là có sức khỏe”.

Có sức khỏe, Tuấn Anh có thể cầm bóng, cắt bóng, xoạc bóng, chuyền bóng dài, đi bóng, xoay compa với bóng…

Bị chấn thương, Tuấn Anh chỉ có thể mong được ra sân đụng vào quả bóng.

2. Tuấn Anh đã chơi rất hay, nhưng theo mình, ít nhất là có một tình huống em xử lý chưa hay.

Phút 12, Tuấn Anh không có mặt ở khoảng trống (thậm chí là đứng sát bên cầu thủ đội bạn) nên Duy Mạnh phải phất dài đưa Văn Toàn vào thế tranh chấp trên không và kết quả là đội Việt Nam mất bóng ngay sau đó.


Mà một trong những nhiệm vụ của tiền vệ trung tâm là di chuyển, nhận bóng từ hậu vệ để triển khai bóng, tổ chức tấn công.

Nếu thực hiện được điều này, Tuấn Anh sẽ nhận bóng ở vị trí thuận lợi, đội Việt Nam có thể thoát khỏi áp lực của UAE ở cánh phải và mở bóng sang cánh trái đang rất thoáng thay vì phải phất bóng dài (rồi mất bóng).

Nói chưa hay (chứ không dở) vì Duy Mạnh (là hậu vệ nên quyết định xử lý chắc chắn) đã đá một chạm từ đường chuyền về của Trọng Hoàng, nghĩa là từ lúc bóng rời chân Trọng Hoàng đi đến Duy Mạnh, Tuấn Anh chỉ có khoảng 1 giây để vừa di chuyển đến khoảng trống vừa ra hiệu để Duy Mạnh chuyền cho mình, một nhiệm vụ rất khó.

Tuy nhiên, ngay cả khi bóng còn đang trong chân Trọng Hoàng, chưa được trả về cho Duy Mạnh thì Tuấn Anh cũng đã đứng ở 1 vị trí mà Trọng Hoàng không-thể-chuyền-tới (sau lưng tới 2 cầu thủ UAE):

Tương tự như khi bóng trả về cho Duy Mạnh, Tuấn Anh có thể di chuyển vào khoảng trống để nhận bóng từ Trọng Hoàng, mở đầu cho những đường chuyền ngắn liên tiếp để đổi cánh:

Tại sao Tuấn Anh cần làm điều đó?

Để hướng đến những mục tiêu cao hơn, như tấm băng rôn này của một số khán giả:

Kể cả khi chưa bàn đến việc đi World Cup, để đạt được và giữ vững bất kỳ thành tích nào mà mình mong muốn, dù lớn hay nhỏ, chúng ta đều phải nỗ lực cải thiện mình qua từng ngày. Thế giới biến động từng phút, đứng im có thể đồng nghĩa với lùi lại.

Một đội bóng muốn mạnh hơn thường phải cải thiện các yếu tố chính sau:

– Chuyên môn: kỹ thuật, chiến thuật.

– Thể hình, thể lực (sức mạnh, sức nhanh, sức bền, độ mềm dẻo).

– Tinh thần, tâm lý, bản lĩnh.

Trong tất cả các yếu tố trên, tinh thần/tâm lý/bản lĩnh thì khó để định lượng, kỹ thuật + thể hình + thể lực có lẽ đều có một giới hạn nhất định nên có lẽ chỉ có chiến thuật là có thể cải thiện không giới hạn.

Chiến thuật của đội bóng không chỉ xuất phát từ tư duy và kinh nghiệm của mỗi huấn luyện viên mà còn đòi hỏi ở mỗi cầu thủ.

Nếu huấn luyện viên có tư duy chiến thuật xuất sắc và cầu thủ cũng có được phẩm chất tương tự, họ sẽ biết cách thể hiện trọn vẹn ý đồ của huấn luyện viên và biết cách xuất hiện ở những vị trí thuận lợi mà không dùng quá nhiều sức để mọi người dễ chuyền bóng cho nhau khi tấn công.

Hãy quay lại với tình huống tưởng tượng này:

Nếu có thể quan sát từ sớm và ra quyết định nhanh, Tuấn Anh chỉ cần di chuyển quãng đường chưa đến 10m (với tốc độ không cao) để nhận bóng và sau đó chỉ cần thực hiện đường chuyền sệt đưa bóng tới đồng đội đứng cách cũng chưa đến 10m.

Một hành động không quá phức tạp nhưng lại có thể mang về hiệu quả cao, tất nhiên là với điều kiện Duy Mạnh cũng quan sát từ sớm để thấy Tuấn Anh và ra quyết định chuyền bóng nhanh.

Nói thì dễ, làm mới khó. Đúng là làm luôn không đơn giản như nói. Nhưng mình không nói chuyện viển vông, mình nói về những thứ Tuấn Anh đã thực sự làm được, cũng ngay trong trận đấu với UAE.


So sánh với pha bóng tưởng tượng ở trên, tuy vị trí có khác đôi chút nhưng tính chất của 2 tình huống thì khá tương đồng. Ở trường hợp đầu tiên, Tuấn Anh chạy đến chiếm khoảng trống. Ở trường hợp còn lại, em không làm như vậy:

Tuấn Anh không chạy đến khoảng trống
Tuấn Anh chạy đến khoảng trống

Thêm một pha bóng khác mà Tuấn Anh chiếm khoảng trống để Trọng Hoàng dễ dàng phối hợp và thoát khỏi áp lực từ đối thủ:


Tình huống này thì gần như trùng khớp với pha bóng tưởng tượng ban đầu, khi trong cả 2 pha bóng Tuấn Anh đều đang đứng sau lưng 2 cầu thủ đối phương, nhưng 1 lần em chạy đến khoảng trống, 1 lần thì không:

Tuấn Anh không chạy đến khoảng trống
Tuấn Anh chạy đến khoảng trống

Do sân bóng đá 11 người có diện tích lớn và bóng khi được đá với lực phù hợp luôn bay nhanh hơn người chạy, nếu các cầu thủ biết cách xuất hiện đúng lúc đúng chỗ để chuyền bóng cho nhau bằng những đường chuyền đơn giản, một đội bóng có thể hạn chế tối đa những bất lợi về các mặt kỹ thuật, thể hình, thể lực.

Còn khi phòng ngự, họ có thể giành lại bóng bằng cách dùng một (hoặc nhiều người) xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ rồi gây áp lực vừa đủ để đối thủ xử lý hỏng, thay vì chỉ lao vào những pha tranh chấp quyết liệt, đòi hỏi điều kiện thể chất cao.

Chẳng hạn, với khả năng đọc tình huống tốt, Tuấn Anh đã đoạt được bóng mà chẳng cần phải rướn, bật nhảy, đua tốc độ hay va chạm như trong clip sau:


Một tình huống khác, Tuấn Anh cùng với 3 đồng đội áp sát cầu thủ UAE và lấy được bóng. Cầu thủ UAE dù đẳng cấp đến đâu cũng khó lòng vượt qua 3 – 4 cầu thủ Việt Nam liên tiếp gây áp lực:


Như đã thấy, bằng tư duy chiến thuật của từng cá nhân kết hợp cùng chiến thuật của cả tập thể, một đội bóng bất lợi hơn về kỹ thuật, thể hình lẫn thể lực hoàn toàn có thể chiếm lợi thế trong cả tấn công lẫn phòng ngự.

3. Nếu nói về mức độ nghiêm trọng của chấn thương, chưa chắc Tuấn Anh đã khổ bằng Santi Cazorla.

Cầu thủ người Tây Ban Nha phải lấy mảnh da từ bộ phận này của cơ thể đắp sang bộ phận khác. Báo chí từng bảo anh “suýt phải cưa chân” và “đi bộ trong vườn cùng con được đã là may mắn”.

Với tinh thần không khuất phục, muốn có được những điều tốt hơn với mình, Santi đã trở lại đầy mạnh mẽ, thậm chí còn được gọi lên ĐTQG Tây Ban Nha, dù năm nay anh đã 35 tuổi.

Tuấn Anh đã trở lại, lợi hại thì ai cũng thấy rồi, nhưng mong rằng, em sẽ còn lợi hại hơn nữa (bắt đầu bằng cách không để hậu vệ Duy Mạnh phải phất dài mất bóng).

Vì một người 35 tuổi “suýt phải cưa chân”, mổ khoảng chục lần như Cazorla vẫn có thể tỏa sáng, thì một người mới 24 tuổi và… mới mổ vài lần như em hẳn là còn có thể làm được nhiều hơn thế, như cách mà HLV Park đã phát biểu sau trận đấu “Tôi không hồi sinh Tuấn Anh, đó là năng lực của cậu ấy”.

Add Comment